Phiên họp giả định: Báo cáo quốc gia lần 5-6 của Việt Nam về thực thi Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em

Đăng vào 27/11/2020 00:00

Phiên họp giả định 

Báo cáo quốc gia lần 5-6 của Việt Nam về thực thi Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em

Sáng ngày 26 và 27/11/2020, tại Hội trường A402, Trường Đại học Luật Hà Nội đã phối hợp với Liên minh châu Âu và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Phiên họp giả định Báo cáo quốc gia lần 5-6 của Việt Nam về thực thi Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Ban giám khảo và cố vấn chuyên môn của Phiên họp với vai trò giả định là các thành viên của Ủy ban về quyền trẻ em, gồm: Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bà Cao Thị Thanh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bà Nguyễn Thị An, Giám đốc quốc gia, Văn phòng Việt Nam của Health Bridge Foundation of Canada; Ông Sergiu Rusanovschi, Chuyên gia bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam và PGS.TS. Cao Thị Oanh, Trưởng Khoa Pháp luật Hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội. Phiên họp giả định được tổ chức dưới dạng một cuộc thi với sự tham gia của 10 đội thi là em các sinh viên của Khóa 3 môn học Tư pháp đối với người chưa thành niên. Phiên họp diễn ra dưới sự điều hành của PGS.TS. Đỗ Thị Phượng, phụ trách môn học Tư pháp đối với người chưa thành niên; cũng như sự có mặt đông đủ của các giảng viên tham gia giảng dạy môn học này.

Toàn cảnh Phiên họp giả định:

Ngày 26/11/2020, tại vòng sơ khảo, 10 đội thi đến từ hai lớp N02 và N03 đã rất tích cực thể hiện phần thi của mình với vai trò giả định là đoàn công tác liên ngành của Chính phủ Việt Nam trình bày Báo cáo quốc gia và trả lời các câu hỏi, khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em. Nội dung trình bày xoay quanh một số lĩnh vực quan trọng: trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thực thi Công ước về quyền trẻ em; công tác hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ trẻ em; quá trình nghiên cứu, thành lập Tòa án gia đình và Tòa án chuyên trách cho người chưa thành niên; các biện pháp hiệu quả để phòng, chống bạo lực, xâm hại, bóc lột tình dục với người chưa thành niên; các biện pháp thay thế giam giữ đối với người chưa thành niên, cũng như một số vấn đề có liên quan đến việc thực thi Công ước. Thông qua việc đánh giá nội dung, kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng làm việc nhóm của các đội, Ban giám khảo và cố vẫn chuyên môn đã chọn ra hai đội thi có phần thể hiện xuất sắc nhất đại diện cho hai lớp để tham gia vòng chung khảo.

Các đội thi trình bày Báo cáo và trả lời các câu hỏi:

Ngày 27/22/2020, vòng chung khảo đã diễn ra rất hấp dẫn, cả hai đội thi đều trình bày nội dung mạch lạch, đi vào trọng tâm của chủ đề được chọn; truyền tải thông tin chính xác, logic; thể hiện kỹ năng giải quyết vấn đề thông qua các câu trả lời đối với các câu hỏi của Ủy ban một cách hiệu quả và đúng thời gian; có sự tham gia tích cực và phân công rõ ràng vai trò của mỗi thành viên trong nhóm. Đặc biệt, đội thi đại diện cho Lớp N03 đã rất nỗ lực thể hiện phần trình bày Báo cáo quốc gia trực tiếp bằng tiếng Anh, gây nhiều ấn tượng cho Ban giám khảo và các đội thi tham gia Phiên họp. Ban giám khảo và cố vấn chuyên môn cũng đã có thời gian làm việc rất trách nhiệm và công tâm để chọn ra các đội thi giành giải nhất và giải nhì chung cuộc.

Phiên họp giả định kết thúc với nhiều kiến thức quý báu và kỷ niệm đáng nhớ cho các em sinh viên Khóa 3 của môn học Tư pháp đối với người chưa thành niên. Đại diện các cơ quan chức năng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức quốc tế đều đánh giá rất cao sự nỗ lực, sáng tạo của các đội thi, đồng thời hy vọng sẽ tiếp tục có cơ hội hợp tác với Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, góp phần hoàn thiện, phát triển chương trình giảng dạy và học tập môn Tư pháp đối với người chưa thành niên tại Trường Đại học Luật Hà Nội trong những năm học tiếp theo./.

 

Ban tổ chức trao giấy chứng nhận và phần quà lưu niệm cho các đội thi:

Thái Duy